Nỗi ám ảnh khi sống gần bãi rác

Xem bản đầy đủ
 

Bãi ép rác dự kiến được xây dựng ngay chung cư 12 View khiến cư dân phản đối. Ảnh: Thuận Nguyễn

Người dân kêu cứu

Mới đây, hàng trăm hộ dân sinh sống tại chung cư 12 View (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM) đã tá hỏa khi biết thông tin chính quyền quận sẽ cho xây dựng nhà máy xử lý ép rác thải ngay cạnh chung cư.

Theo đó, trạm ép rác này sẽ được xây dựng trên diện tích hơn 1.000 m2. Trong đó, trạm ép có diện tích 217 m2, còn lại là nhà điều hành, đường giao thông, cây xanh, xử lý nước thải.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 40 tỉ đồng gồm chi phí xây dựng hơn 10 tỉ đồng, trang thiết bị 19 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quý 2/2019.

Cho rằng, dự án này nếu được xây dựng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và không gian sống, cư dân 12 View đã bức xúc, tập trung treo băng rôn phản đối dự án và gửi đơn thư cầu cứu các cơ quan nhà nước.

Ông Lâm Đức Trí, một cư dân 12 View, cho rằng sống chung với rác là không thể chấp nhận được. Nếu xây dựng bãi rác ở đây thì tất cả môi trường xung quanh đều bị ô nhiễm hết.

Một cư dân khác tên Ngọc Khánh cho biết, bà và nhiều người dân ở đây phải vay tiền ngân hàng để mua nhà. Nếu trạm rác được xây dựng thì cư dân sẽ không thể ở được, dù có muốn đi nơi khác thì căn hộ cho thuê hay bán cũng không ai mua. Bà Khánh mong chính quyền địa phương xem xét lại chủ trường xây dựng bãi rác này.

“Nếu quyết tâm để bãi rác ở đây thì di đời chúng tôi đi chỗ khác, chúng tôi sẵn sàng đi, còn không phải dời hố rác đi, chúng tôi không thể sống chung với rác được”, Ông Nguyễn Sang, cư dân 12 View quả quyết.

Đại diện Ban quản lý chung cư 12 View cho biết, UBND phường Tân Thới Nhất có mời cư dân lên để đối thoại nhưng cư dân nhất quyết không đồng ý với dự án nhà máy ép rác này. Nếu dự án được xây dựng sẽ gây ô nhiễm không khí, mùi hôi, phá vỡ không gian sống không chỉ của cư dân dự án 12 View mà cả khu vực lân cận.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND quận 12 cho rằng, trạm ép rác kín này có công suất 100 tấn chủ yếu phục vụ thu gom gác trên địa bàn phường Tân Thới Nhất ép rồi chở đi nơi khác để xử lý. Nhà máy này được trang bị công nghệ nhập từ châu Âu, là thiết bị hiện đại nhất hiện nay. Trạm ép rác có hệ thống khử mùi, cây xanh, xử lý nước thải nên sẽ không ô nhiễm.

 Nhà giàu cũng khổ vì rác

Tại TP.HCM, những bức xúc về bãi rác gây ô nhiễm môi trường không đâu rõ hơn tại khu nam gồm các quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh. Đặc biệt, khu đô thị “nhà giàu” Phú Mỹ Hưng, nơi có chuẩn sống cao bậc nhất cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của mùi hôi từ bãi rác suốt nhiều năm qua. Người dân cho rằng, thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm này là bãi rác khổng lồ Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) nằm cách đó không xa.

Bãi rác khổng lồ Đa Phước là nỗi ám ảnh với người dân và các đô thị tại khu Nam TP.HCM. Ảnh: Thuận Nguyễn

Mới đây, cư dân khu vực phía nam Sài Gòn đã lập hẳn một diễn đàn trên facebook để cập nhật liên tục mọi thông tin về mùi hôi của khu vực.

Diễn đàn này thu hút hàng ngàn người tham gia. Họ chủ yếu sinh sống tại các dự án chung cư ở khu nam như Bellaza, Era Town, Cảnh v, Phú Hoàng Anh, Happy Valley, Chateau, Riviera Point, Mỹ Thái 2, Hưng Lộc Phát, Lacasa…

“Cư dân Phú Mỹ Hưng từ lâu phải chịu đựng mùi hôi thối tại nơi mình sinh sống. Chúng tôi tạo group này để cùng nhau lên tiếng nhằm yêu cầu ban quản lý Phú Mỹ Hưng phải giải quyết thấu đáo việc này, tạo điều kiện cho mọi người an cư, lạc nghiệp”, nội dung được đăng trên trang Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng hay Sự thật mùi hôi thối ở Nam Sài Gòn.

Theo phản ánh của người dân, mùi hôi xuất hiện cả ngày lẫn đêm. Đặc biệt những ngày nắng nóng và sau các trận mưa. Ảnh hưởng nhiều nhất là các dự án căn hộ cao tầng.

Báo cáo sau đó của UBND TP.HCM cũng kết luận, hoạt động của bãi rác Đa Phước đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến khu vực dân cư một số phường của quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.

Được biết, khu xử lý chất thải Đa Phước bắt đầu hoạt động từ năm 2007. Bãi rác này do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam - VWS làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 100 triệu USD. Khu xử lý chất thải có bãi chôn lấp có diện tích hơn 30 ha. Công suất thiết kế 10.000 tấn rác/ngày đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, mỗi ngày Đa Phước tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn rác.

Theo anh Hùng, một nhân v môi giới bất động sản khu vực quận 7, cho biết không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, những hệ lụy từ bãi rác cũng gây tác động tiêu cực cho thị trường bất động sản khu vực này. Môi giới này cho biết, nhiều khách hàng có ý định mua nhà ở đây đã bỏ cuộc do lo sợ mùi hôi từ bãi rác về lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng ngập nước, kẹt xe, tiếng ồn, ô nhiễm không khí là những điểm trừ với các khu đô thị. Tuy nhiên, việc ngập nước, kẹt xe, hay tiếng ồn có thể chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định còn ô nhiễm môi trường từ bãi rác thì kéo dài liên tục và gây ảnh hưởng rất lớn.

Cũng theo ông Đực, xử lý rác thải là bài toán lớn đối với các đô thị trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Bài toán này đòi hỏi nhà quản lý phải có tầm nhìn về quy hoạch và nguồn chi phí đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý rác của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.